Cơ hội và thách thức đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam

Tóm tắt: Việt Nam đang trong tiến hình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, hội nhập về lĩnh vực kế toán, kiểm toán luôn được đặt ra như một trọng tâm. Thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng đề án áp dụng hệ thống chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính (IFRS) ở Việt Nam. Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang tác động làm thay đổi cách tiếp cận và thực tiễn nghề nghiệp kế toán kiểm toán trên phạm vi toàn cầu và ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Bối cảnh đó đặt ra thách thức “kép” đối với nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Bài viết này nhằm đánh giá tổng quan tình hình đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam ở các cơ sở đào tạo hiện nay; phân tích các cơ hội, thách thức đặt ra và khuyến nghị đổi mới đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán thời gian tới.

Từ khóa: Nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán; đào tạo kế toán, kiểm toán.

1. Tổng quan về đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam hiện nay

* Về hệ thống đào tạo kế toán, kiểm toán

– Đào tạo kế toán đã có lịch sử phát triển hơn 60 năm ở Việt Nam. Một số trường cơ sở đào tạo có truyền thống đào tạo về kế toán phải kể đến là Học viện Tài chính (Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội trước đây); Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Thương Mại… bao gồm các bậc đào tạo từ đại học và sau đại học. Đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng về kế toán cũng được thực hiện ở nhiều cơ sở đào tạo trên phạm vi cả nước. Những năm 2000 trở về trước, ngành kế toán, kiểm toán chủ yếu được đào tạo ở một số trường đại học, cao đẳng khối kinh tế với lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 8.000 đến 10.000 sinh viên. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng DN (DN) mới thành lập tăng nhanh khiến nhu cầu lao động về kế toán tăng mạnh dẫn đến việc các trường đại học, cao đẳng ngoài khối kinh tế cũng triển khai tổ chức đào tạo ngành kế toán. Cho đến nay, đã có 223 tổ chức cấp bằng cao đẳng về kế toán, 126 tổ chức cấp bằng đại học, 24 tổ chức cấp bằng thạc sĩ và 7 tổ chức cấp bằng tiến sỹ về kế toán.[1] Hàng năm, có từ 50.000 đến 60.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành kế toán ra trường, tham gia vào thị trường lao động. Bên cạnh đó, số học viên được cấp bằng thạc sỹ chuyên ngành kế toán cũng khoảng trên 3.000 học viên.

Các loại hình đào tạo khác về kế toán, kiểm toán cũng có sự phát triển mạnh trong thời gian gần đây để đáp ứng nhu cầu đào tạo lại, đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn, đào tạo bồi dưỡng. Các chương trình đào tạo này cũng rất đa dạng, được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp lý về kế toán và theo nhu cầu của người học. Các cơ sở chủ yếu cung cấp loại hình đào tạo này bao gồm: các trường đại học, cao đẳng, các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán (VAA, VACPA) và các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán. Ước tính hàng năm có hàng trăm ngàn lượt người được đào tạo cập nhật, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về kế toán, kiểm toán.

Đào tạo KTV và kế toán viên hành nghề đã được Bộ Tài chính chủ trì tổ chức thực hiện hơn 15 năm qua, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Trong những năm gần đây, đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam còn có sự tham gia tích cực của các tổ chức nghề nghiệp kế toán được thừa nhận trên phạm vi quốc tế như ACCA, ICAEW, CP Úc, CIMA,…

* Quan điểm đào tạo kế toán, kiểm toán ở các cơ sở đào tạo hiện nay

Mặc dù chưa có đánh giá, phân loại một cách chính thức, tuy nhiên, các cơ sở có đào tạo ngành kế toán ở Việt Nam hiện nay được chia thành 2 khuynh hướng: đào tạo kế toán định hướng hàn lâm/nghiên cứu (Học viện Tài chính; Đại học KTQD; Đại học Kinh tế TP.HCM…) và đào tạo cử nhân kế toán định hướng thực hành (các trường đại học mới đào tạo ngành kế toán: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh tế – Kĩ thuật CN, Đại học Quản lý KD và CN…). Việc lựa chọn định hướng đào tạo chi phối mạnh đến nhận thức, chủ trương, xác định mục tiêu, phương pháp tổ chức đào tạo và đặc biệt là chương trình đào tạo ngành kế toán;

* Cách tiếp cận và công nghệ đào tạo

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên, thực tế là cách tiếp cận đào tạo kế toán ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam vẫn thiên về đào tạo “kĩ thuật” theo hướng tuân thủ các quy định của chế độ kế toán, kiểm toán đặc biệt là quá coi trọng việc đào tạo các kĩ thuật hạch toán, ghi sổ. Việc đào tạo các nguyên tắc/CMKT, kiểm toán đã được một số trường tiếp cận song chưa mang tính phổ biến.

* Nguồn lực cho đào tạo kế toán, kiểm toán

Nguồn nhân lực giảng viên đào tạo ngành kế toán, kiểm toán đã được các cơ sở đào tạo xây dựng trong thời gian qua, bao gồm các giảng viên được đào tạo bài bản ở trình độ đại học và trên đại học tại các nước phát triển và các giảng viên được đào tạo theo các chương trình đại học/trên đại học trong nước, nước ngoài hoặc được đào tạo theo chương trình của các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế. Nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo còn khá hạn chế, hệ thống học liệu hiện đại còn tương đối nghèo nàn.

2. Đặc điểm của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam

– Nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam đông về số lượng. Ước tính trong hơn 600 ngàn DN hoạt động trong nền kinh tế hiện nay, có hàng triệu người trực tiếp tham gia vào công tác kế toán, kiểm toán. Nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam đều được đào tạo ở các cấp độ khác nhau. Trong thời gian gần đây, chủ yếu được đào tạo ở bậc cao đẳng hoặc đại học. Ưu điểm nổi bật của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam là đặc tính cần cù, thông minh và ham học hỏi. Chất lượng nền tảng của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam khá tốt. Hàng năm, kết quả tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, điểm trúng tuyển của các ngành đào tạo kế toán, kiểm toán đều ở mức khá cao so với các ngành kinh tế khác (Kết quả trúng tuyển của thí sinh đăng ký ngành kế toán của các trường lớn như: Kinh tế quốc dân Hà Nội, Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Thương Mại, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội… đều thuộc nhóm ngành có điểm cao nhất trong những năm gần đây).  Bên cạnh việc được đào tạo nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo chính thức, người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam đều rất tích cực tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ. Trong thời gian gần đây, với sự hoạt động có hiệu quả của các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, tính cộng đồng, kết nối của cộng đồng những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Xu hướng phát triển nghề nghiệp của cộng đồng người làm kế toán đã ngày càng rõ nét hơn qua việc ngày càng nhiều người làm kế toán tiếp tục học tập và thi để nhận các chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những ưu điểm trên, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định: (1) Kiến thức và tư duy của người làm kế toán chủ yếu mang tính nghiệp vụ và tuân thủ, tính chủ động, sáng tạo và độc lập về chuyên môn của người làm kế toán, kiểm toán còn hạn chế; (2) Tác phong làm việc và tư duy làm việc còn chưa thực sự chuyên nghiệp, một bộ phận không nhỏ người làm kế toán có tư duy an phận, ít nỗ lực trong phấn đấu về chuyên môn và phát triển sự nghiệp; (3) Năng lực hội nhập của cộng đồng người làm kế toán, kiểm toán dù đã có cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, song nhìn chung còn yếu, chưa sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động và dịch vụ trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu; (4) Tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã được khơi gợi trong thời gian qua song vẫn còn hạn chế. Số lượng DN khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán còn rất nhỏ bé.

3. Cơ hội và thách thức đổi mới đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam

Hội nhập quốc tế dưới sự tác động của CMCN 4.0 đặt ra áp lực rất lớn đối với nguồn nhân lực kế toán Việt Nam, trước sự cạnh tranh từ nguồn nhân lực kế toán các nước trong cộng đồng kinh tế AEC vốn đã được đào tạo bài bản về kế toán quốc tế và có kỹ năng chuyên nghiệp. Trong phần tiếp theo, chúng tôi phân tích các cơ hội và những điều kiện tiền đề cũng như những thách thức cho việc đổi mới đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam:

– Nhận thức của xã hội nói chung, đặc biệt là các cơ sở đào tạo về tác động của hội nhập và tác động của CMCN 4.0 đến kế toán, kiểm toán nói riêng đã được củng cố trong những năm qua. Đây là một tiền đề thuận lợi lớn cho việc đổi mới đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán ở Việt Nam trong thời gian tới.

– Hệ thống đào tạo kế toán, kiểm toán Việt Nam đã được xây dựng một cách căn bản với hệ thống các cơ sở đào tạo ở nhiều cấp đào tạo khác nhau, đáp ứng nhu cầu ở các mức độ khác nhau của xã hội.

– Nguồn nhân lực đầu vào đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán vẫn được đảm bảo ở mức cao. Nghề nghiệp kế toán, kiểm toán vẫn nhận được sự quan tâm lớn, luôn là một trong những nghề nghiệp có tỷ lệ việc làm cao trên thị trường. Do vậy, về cơ bản, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán vẫn luôn có sự chọn lọc thuộc nhóm có chất lượng khá trong tổng thể nguồn nhân lực quốc gia.

– Tiền đề cho việc đổi mới đào tạo ở các cơ sở đào tạo đã bước đầu được xây dựng trong những năm qua. Nhiều cơ sở đào tạo đã tích cực đổi mới nội dung, chương trình, công nghệ đào tạo; tăng cường hợp tác và giao lưu trong đào tạo với các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới. Đặc biệt, một số cơ sở đào tạo đã triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo tiên tiến theo thông lệ đào tạo quốc tế về kế toán, kiểm toán.

Bên cạnh các yếu tố mang tính thời cơ và các điều kiện thuận lợi đã phân tích, việc đổi mới đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán cũng sẽ gặp không ít thách thức, khó khăn cản trở như:

– Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam đã được xây dựng khá đa dạng song chưa có một quy hoạch bài bản. Sứ mệnh đào tạo của các cơ sở đào tạo chưa được xác định rõ ràng còn chồng chéo, manh mún. Việt Nam chưa xây dựng được khung năng lực quốc gia cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng là thách thức để quy hoạch hệ thống các cơ sở đào tạo ở các cấp độ khác nhau. Hơn nữa, việc có quá nhiều cơ sở đào tạo ngành kế toán, kiểm toán, trong đó không ít các cơ sở đào tạo không chuyên sâu, đặt mục tiêu ngắn hạn cũng đặt ra vấn đề đảm bảo chất lượng đối với nguồn nhân lực nói chung.

– Quan điểm đào tạo của các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán hiện nay còn chậm đổi mới. Cách tiếp cận đào tạo thiên về nghiệp vụ kỹ thuật hạch toán vẫn là phổ biến trong cách thức xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo và phần lớn lực lượng giảng viên.

– Tính liên kết, liên thông của các cơ sở đào tạo kế toán còn yếu. Sự kết hợp giữa các cơ sở đào tạo và các hiệp hội nghề nghiệp các đơn vị sử dụng nhân lực còn khá hạn chế. Do vậy, mục tiêu, nội dung đào tạo còn chồng chéo vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, vừa khó đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và thích ứng với CMCN 4.0.

– Nguồn lực đầu tư cho đổi mới đào tạo kế toán, kiểm toán khá hạn chế. Ngoại trừ một số cơ sở đào tạo có truyền thống, xác định ngành kế toán là ngành then chốt, mũi nhọn, nhiều cơ sở đào tạo xác định ngành kế toán là ngành phụ, mang tính ngắn hạn nên mức độ đầu tư cho lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất còn hạn chế. Hơn nữa, nguồn lực tài chính của các trường đại học hiện cũng rất khó khăn, nhiều trường đã thực hiện tự chủ tài chính nên việc đầu tư nguồn lực lớn cho đổi mới một chương trình đào tạo cần có thời gian chuẩn bị và tích lũy tài chính.

– Ngoài ra, rào cản về kỹ năng chuyên nghiệp và trình độ ngoại ngữ, đối nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay cũng là một thách thức đáng kể trong lộ trình hội nhập. Trong bối cảnh CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ ngoại ngữ đạt đến mức độ thành thạo, có kỹ năng sử dụng công nghệ tốt, có năng lực tư duy tổng hợp, phân tích để tham gia tích cực vào hệ thống quản trị của đơn vị hơn là các công việc kế toán truyền thống. Với thực trạng hiện nay, thách thức này cần có nỗ lực lớn và thời gian khá dài để vượt qua.

4. Một số khuyến nghị đổi mới đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam

Như đã phân tích ở trên, đổi mới đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam bao hàm những cơ hội tốt đồng thời đặt ra nhiều thách thức, chúng tôi có một số khuyến nghị sau:

* Xây dựng khung năng lực quốc gia về kế toán, kiểm toán

Như đã phân tích, hiện Việt Nam chưa có khung năng lực quốc gia về nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Nghề nghiệp kế toán, kiểm toán có khung năng lực trải rộng từ cấp độ cơ bản cho đến nâng cao, chuyên nghiệp. Việc xây dựng và công bố khung năng lực quốc gia về nghề kế toán, kiểm toán sẽ định hướng cho hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo cũng như sự phát triển chuyên môn của mỗi cá nhân người làm kế toán, kiểm toán, qua đó giúp nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán phát triển một cách có định hướng rõ ràng. Khung năng lực quốc gia về kế toán, kiểm toán cần được xây dựng theo hướng phù hợp với khung năng lực nghề nghiệp toàn cầu (có thể tham chiếu khung năng lực nghề kế toán, kiểm toán của Liên đoàn Kế toán quốc tế IFAC hoặc các tổ chức nghề nghiệp có uy tín toàn cầu) và đảm bảo thích ứng với tác động của CMCN 4.0.

* Quy hoạch lại hệ thống đào tạo kế toán, kiểm toán

Hiện tại, hệ thống đào tạo kế toán, kiểm toán Việt Nam khá đa dạng, song còn chồng chéo về mục tiêu, quan điểm đào tạo. Trên cơ sở khung năng lực quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực, mạng lưới các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán cần được quy hoạch lại theo hướng phân tầng đào tạo, xác định rõ phân khúc thị trường nguồn nhân lực phù hợp:

Các cơ sở đào tạo là các trường đại học, cao đẳng tập trung đào tạo cơ bản mang tính nền tảng. Trong đó, các cơ sở đào tạo chuyên sâu có truyền thống và kinh nghiệm, năng lực đào tạo tốt định hướng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng hội nhập cao, sẵn sàng cho lộ trình áp dụng hệ thống CMKT quốc tế ở Việt Nam và thích ứng cao với tác động của CMCN 4.0. Các cơ sở đào tạo không chuyên sâu hướng đến đào tạo nguồn nhân lực kế toán đáp ứng nhu cầu cho khối các DN nhỏ và vừa và các dịch vụ kế toán cơ bản.

Các cơ sở đào tạo khác, trong đó, đặc biệt là vai trò của các tổ chức nghề nghiệp tổ chức các hoạt động đào tạo bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, đào tạo phát triển chuyên môn theo hướng chuyên nghiệp. Từng bước và có lộ trình phù hợp để các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kế toán viên, KTV cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

* Đổi mới quan điểm, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo kế toán, kiểm toán

Như đã phân tích, một trong những rào cản quan trọng đối với tiến trình hội nhập và phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam là do quan điểm đào tạo kế toán, kiểm toán khá lạc hậu. Hệ thống đào tạo quá tập trung vào kỹ thuật nghiệp vụ. Do vậy, quan điểm đào tạo của các cơ sở đào tạo cần được đổi mới căn bản theo hướng chú trọng hơn đến tư duy tổng hợp, kỹ năng xử lý công việc chuyên nghiệp, kĩ năng tổng hợp, phân tích và quản trị dữ liệu. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong chuyên môn kế toán, kiểm toán, đảm bảo khả năng hội nhập cao của nguồn nhân lực. Đổi mới quan điểm đào tạo sẽ chi phối tới việc xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo cũng như chính sách đầu tư nguồn lực giảng viên, nguồn lực cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo.

* Tăng cường liên kết trong hoạt động đào tạo

Trên cơ sở xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán, cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ, giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động. Sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo cần gắn chặt với lộ trình phát triển chuyên môn của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Từ đó, phối hợp thiết kế nội dung, chương trình phù hợp, đảm bảo có tính kế thừa, liên thông kiến thức, kĩ năng chuyên môn giữa đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học với đào tạo bồi dưỡng, cập nhật, đào tạo theo các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước.

* Quan tâm đến đào tạo nhận thức của xã hội về kế toán, kiểm toán

Hạch toán nói chung và kế toán nói riêng là cần thiết đối với mọi chủ thể kinh tế. Do vậy, việc đào tạo kế toán không chỉ quan trọng đối với những người làm nghề kế toán chuyên nghiệp mà cần đặt ra như việc đảm bảo nhận thức cơ bản của xã hội, đặc biệt đối với các cá nhân, các hộ gia đình có thực hiện các hoạt động kinh tế; các nhà quản lý DN. Tư duy kế toán, kiểm toán phải trở thành tư duy nền tảng của quản lý, quản trị. Người có tư duy kế toán, kiểm toán có khả năng thành công cao trong phát triển nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quản lý. Một khi nhận thức của xã hội về kế toán, kiểm toán được đầy đủ, vị thế, vai trò của kế toán, kiểm toán ngày càng được đề cao và phát huy. Từ cơ sở đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp về kế toán, kiểm toán sẽ nhận được sự quan tâm thỏa đáng, tạo tiền đề cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này.

——————————

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ Tài chính (2005), Hệ thống CMKT Việt Nam, NXB Tài chính

[2]. Chính phủ (2013), Chiến lược kế toán, kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030

[3]. Ngô Thế Chi (2013), Kế toán Việt Nam – Quá trình hình thành và phát triển, NXB Tài chính.

[4]. Quốc Hội (2015) Luật Kế toán Việt Nam năm 2015.

[5]. Các Kỷ yếu hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán trong thời kì hộp nhập AEC và TPP Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2016.

[6] Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (ROSC) – Lĩnh vực kế toán và kiểm toán, công bố tháng 5/2016.

0981266225
0981266225