Chuyển giá và tác động của chuyển giá doanh nghiệp

CHUYỂN GIÁ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN GIÁ DOANH NGHIỆP

 TS Nguyễn Thu Hương

Trường Đại học Trưng Vương

Tóm tắt: Chuyển giá ở quốc gia nào cũng có, tự thân nó không phải là hành vi vi phạm pháp luật nhưng chứa đựng nhiều yếu tố bất hợp pháp. Tìm kiếm các công cụ hữu hiệu để nhận diện các yếu tố đó mới là bài toán khó cần tìm lời giải để đảm bảo môi trường hội nhập, đầu tư bình đẳng, bền vững. Toàn cầu hóa và mở cửa thị trường nội địa kéo theo xung đột với thu hút đầu tư, bởi quốc gia tiếp nhận đầu tư càng tạo ra nhiều ưu đãi thì nhà đầu tư càng tận dụng được nhiều thủ thuật chuyển dịch lợi ích kinh tế từ quốc gia đó về mình. Chuyển giá là một trong các thủ thuật đó, với diễn biến và hình thức ngày càng phức tạp đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư. Cần phải khẳng định Chuyển giá có tính tất yếu trong nền kinh tế mở cửa bởi nó gắn liền với sự lớn mạnh của các nhóm lợi ích và sự phát triển của các công cụ kinh tế toàn cầu.

TRANSFER PRICING AND ITS EFFECTS ON THE TRANSFER PRICING OF THE ENTERPRISES

Summary: Transfer pricing is in every country. Transfer pricing itself isn’t a violation of the law but contains many illegal elements. Finding out effective instruments to identify those elements is a difficult problem needing solutions to ensure the equality and sustainability in integration, investment. Globalization and the opening domestic market followed by the conflicts with attracting investment, as the country receiving investment creates more incentives, then more investors can take advantage of many tricks to shift economic benefits from that country to themselves. Transfer pricing is one of those tricks. With its increasingly complex developments and forms, transfer pricing has caused a lot of influences on the economy of the country receiving investment. It is important to confirm that transfer pricing is indispensable in the open economy because it is associated with the growth of interest groups and the development of the global economic instruments.

Hoạt động chuyển giá tại Việt Nam và những tác động đến nền kinh tế - Tạp chí Tài chính

  1. Lời nói đầu

Chuyển giá doanh nghiệp là việc tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp bằng cách tối giản hóa nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước. Theo thông lệ quốc tế, chuyển giá được hiểu là “việc thực hiện chính sách giá, đối với hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong cùng nhóm (hoặc tập đoàn) qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước nhận đầu tư trên toàn cầu. Để làm được điều này, công ty đa quốc gia phải vận dụng những khác biệt trong chính sách, ưu đãi thuế, chênh lệch thuế suất giữa các quốc gia để xây dựng chính sách về giá giao dịch trong nội bộ nhóm (hoặc tập đoàn). Thực tế, nhóm lợi ích hoặc tập đoàn không nhất thiết phải có tính đa quốc gia mà có thể là nhóm công ty có nhiều công ty con hoạt động kinh doanh trong nước hoặc thậm chí được thực hiện bởi các công ty là các chủ thể kinh tế độc lập, song chủ sở hữu của chúng lại có mối quan hệ liên kết với nhau. Như vậy, cần hiểu hành vi chuyển giá theo một nghĩa rộng hơn, đó là hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng cách thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết.

  1. Chuyển giá và hình thức chuyển giá

Tư vấn đầu tư, tư vấn doanh nghiệp cần phải có được cái nhìn toàn diện và sâu rộng về chuyển giá, các phương thức chuyển giá nhằm tránh rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư ở nghĩa hẹp, vừa giảm thiểu hệ lụy của chuyển giá lên nền kinh tế. Để nhận diện chuyển giá tại Việt Nam, trước tiên cần phải nhận diện nguyên lý chuyển giá, các tác động tiêu cực của chuyển giá lên cán cân thương mại và cán cân vãng lai của Việt Nam. Chuyển giá là vấn đề nổi cộm khi mà hàng loạt các doanh nghiệp bị nghi ngờ chuyển giá do báo lỗ nhiều năm liền liên tiếp trong khi vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Cụm từ “chuyển giá doanh nghiệp” vì vậy thường được gắn riêng cho các doanh nghiệp FDI trong khi thực tế, hiện tượng này cũng xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp trong nước.

Hành vi chuyển giá được đề cập trong bài viết này dưới góc độ pháp lý là một hành vi lợi dụng các thủ thuật xác định giá thị trường của doanh nghiệp thông qua lợi ích chi phối nhằm làm giảm nghĩa vụ thuế đối với quốc gia nhận đầu tư, vì vậy nghiên cứu chỉ đánh giá về mặt pháp lý đối với công tác kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam.

Hình thức chuyển giá doanh nghiệp có thể được nhận biết qua hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu: doanh nghiệp chuyển giá nâng cao giá trị tài sản vốn góp, nâng khống giá trị tài sản vô hình. Việc nâng giá trị tài sản vốn góp cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực giúp doanh nghiệp nâng cao mức khấu hao trích hàng năm; làm tăng chi phí đầu vào giúp doanh nghiệp này nhanh chóng hoàn vốn đầu tư cố định và giảm thiểu rủi ro đầu tư, giảm được mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho quốc gia tiếp nhận đầu tư, gây thâm hụt ngân sách nhà nước so với kết quả thực tế tại quốc gia này, làm ảnh hưởng tới cân đối ngoại tệ của nhà nước.

Giai đoạn triển khai: doanh nghiệp chuyển giá áp dụng mọi thủ thuật nâng cao giá trị đầu vào của sản phẩm như: thực hiện nhập khẩu nguyên phụ liệu từ công ty mẹ hoặc công ty liên kết ở nước ngoài mà giá cả là do các bên tự định đoạt; làm quảng cáo ở nước ngoài với chi phí cao; nâng cao chi phí hành chính và quản lý. Việc phá giá sản phẩm đầu ra so với chi phí đầu vào cao mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp chuyển giá. Sản phẩm đầu ra chịu thuế suất thấp, đặc biệt nếu được chuyển dịch và phân phối tại thị trường của doanh nghiệp FDI, sẽ giúp doanh nghiệp này tiếp tục được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại thị trường phân phối sản phẩm đầu ra.

Để thực hiện được các hình thức trên, doanh nghiệp chuyển phải sử dụng các thủ thuật hạch toán giả như: hạch toán trước nhưng chưa chi; trích lập dự phòng không đúng quy định, vượt định mức; chi phí không có hóa đơn chứng từ; hạch toán chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh; chi phí tiền lương, khấu hao không đúng quy định của Bộ Tài chính; hạch toán chi phí lãi vay không đúng quy định làm phát sinh lỗ. Trong đó, phổ biến là hạch toán sai chi phí chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và chuyển lỗ không đúng quy định.

Các giao dịch liên kết giữa công ty mẹ và công ty con rất đa dạng, mà nội hàm của các các giao dịch liên kết này là mức độ chi phối về tài sản, vốn góp, cung cấp nguyên vật liệu hay phân phối sản phẩm của công ty mẹ với công ty con hoặc giữa các công ty liên kết với nhau. Những giao dịch đó được xác lập như sau: Công ty mẹ hoặc công ty liên kết phân bổ chi phí cho công ty con tại Việt Nam và công ty con tại Việt Nam hạch toán vào chi phí tại Việt Nam một số khoản mục về quảng cáo, tiếp thị, nghiên cứu, mở rộng thị trường, chi phí lãi vay, bản quyền, công nghệ, vật tư, thiết bị, nguyên liệu… mà thực chất các khoản chi phí này phải do công ty mẹ tại nước ngoài trang trải. Mục đích của các giao dịch này là nhằm tối thiểu hóa việc phát sinh thu nhập chịu thuế tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty mẹ hoặc công ty liên kết thường dựa vào các chính sách ưu đãi giữa các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam để tiến hành các hoạt động sáp nhập, giải thể, điều chuyển các địa điểm sản xuất, kinh doanh từ vùng này sang vùng khác để tận dụng ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sử dụng chi phí trả lãi tiền vay là một phương pháp khác mà doanh nghiệp FDI thường xuyên sử dụng: Công ty mẹ đưa nguyên vật liệu, vật tư linh kiện đầu vào mà ở Việt Nam chưa sản xuất được hoặc chất lượng chưa đảm bảo, cho phép doanh nghiệp ở Việt Nam trả nợ gốc và lãi sau khi sản xuất và phân phối sản phẩm. Với thủ thuật này, mọi lợi nhuận từ sản phẩm/hàng hóa của doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hoạch toán vào chi phí lãi vay cho Công ty mẹ ở nước ngoài, như vậy, phần lãi thực, thông qua trả lãi, đã chuyển hết ra ngoài cho công ty mẹ. Thông qua các hợp đồng tài trợ vốn của dự án là biến thể tinh vi của chuyển giá: các khoản vốn vay của chủ đầu tư trong cơ cấu tài chính của dự án FDI đã được xây dựng ngay trong phương án trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận ghi vào giấy phép đầu tư, không ít doanh nghiệp đã thực hiện việc “chuyển giá” qua lãi suất một cách hợp pháp.

  1. Các tác động của chuyển giá

Với bản chất như trên, chuyển giá doanh nghiệp tạo ra nhiều tác động tiêu cực tới thị trường quốc gia nhận đầu tư như: làm giảm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, làm thay đổi cấu trúc của các giao dịch thương mại, làm sai lệch giá vốn dẫn đến sai lệch trong phân phối lợi ích, tạo ra khả năng chiếm lĩnh, giành thị phần cũng như thôn tính đối tác với mức chi phí thấp nhất.

Trước hết, chuyển giá doanh nghiệp gây thất thu ngân sách nhà trong các lĩnh vực quan trọng thông qua việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế, chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Cụ thể, doanh nghiệp FDI thường đầu tư vào các quốc gia có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc loại thuế tương đương với thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (thường được gọi là thiên đường thuế) để thu lợi nhuận từ chuyển giá. Tuy nhiên, khi các quốc gia khác có liên quan tăng cường biện pháp quản lý giá chuyển nhượng sẽ dẫn tới khủng hoảng kinh tế tại các thiên đường thuế này.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đến tháng 10/2017, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong 3 năm liên tiếp. Việc thu nộp ngân sách tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất tại Hà Nội, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai đã phát hiện gần 60% trong tổng số hơn 400 doanh nghiệp chế xuất kiểm tra không phát sinh doanh thu hoặc hạch toán lỗ, nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhiều năm. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp mặc dù kê khai lỗ lớn trong nhiều năm nhưng hằng năm, tốc độ tăng doanh thu vẫn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng. Như vậy, đây là biểu hiện của việc chuyển giá, nhưng do không xác minh được thông tin đầu ra đối với các doanh nghiệp FDI nên cơ quan thuế đành “bó tay” không thể xử lý…

Hoạt động chuyển giá gây ra nhiều biến động xấu tới cơ cấu vốn, dòng chảy của các luồng vốn trong quốc gia tiếp nhận đầu tư, cụ thể: việc định giá cao các yếu tố đầu vào nhằm rút ngắn thời gian thu hồi vốn của công ty mẹ khiến cho các luồng vốn chảy ngược ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư tới các quốc gia của công ty mẹ, phản ánh sai lệch kết quả hoạt động kinh doanh của nền kinh tế, gây thất thoát cho nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư.

Ngoài ra, bằng phương pháp đội giá đầu vào (giá trị đầu tư thiết bị máy móc, nguyên vật liệu) và phá giá sản phẩm đầu ra khiến hạch toán doanh nghiệp FDI thua lỗ, tạo ra “giá trị ảo” cho tài sản cố định, tăng tỷ lệ khấu hao tài sản cố định thực, làm sai lệch tổng vốn FDI khi giải ngân. Cơ chế trên khiến thị trường tư liệu sản xuất và tiêu dùng trong nước phải chịu mức giá cao bất hợp lý. Điều đáng nói ở chỗ, mức giá nhập khẩu cao do chuyển giá đã thủ tiêu lợi ích về giá từ hoạt động nhập khẩu, làm cho mặt bằng giá cao giả tạo, thậm chí khiến mức giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, gây hạn chế khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài trong khu vực.

Một cách gián tiếp, chuyển giá tạo ra một thị trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp: do có lợi thế về nguồn vốn đầu tư dồi dào, các công ty đa quốc gia dễ dàng thôn tính các công ty trong nước thông qua chiêu thức quảng cáo và khuyến mại lớn dẫn tới lũng đoạn thị trường. Các công ty trong nước không đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh nên dần dần suy yếu và có thể phá sản, thay đổi ngành nghề, sản phẩm kinh doanh trong khi các công ty đa quốc gia dần thao túng thị trường trong nước, độc quyền kiểm soát giá cả. Hệ lụy tất yếu của cạnh tranh không lành mạnh thông qua chuyển giá lên nền kinh tế vĩ mô quốc gia tiếp nhận đầu tư là quá trình hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, ngành sản xuất nội địa chậm phát triển, đặc biệt gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư dần phụ thuộc và bị chi phối bởi quốc gia khác.

  1. Một số ý kiến khuyến nghị nhằm chống chuyển giá tại các doanh nghiệp Việt Nam

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, quản lý hoạt động chuyển giá là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lĩnh vực thuế. Việc xác định các bên liên kết và giá thị trường là hai vấn đề cơ bản trong quản lý hoạt động chuyển giá. Trên thực tế, để tìm ra và xác định được đối tượng và giá so sánh không hề đơn giản. Ðiều quan trọng là muốn đưa ra được số liệu chính xác về việc DN nâng giá hay hạ giá thì phải tham chiếu được số liệu so sánh từ giao dịch của DN độc lập. Việc này không thể làm đơn lẻ hay cá nhân tự mày mò được mà cần có sự hỗ trợ của cả một hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ các bộ, ngành khác nhau.

Không chỉ cơ quan thuế mới gặp khó trong nỗ lực tiếp cận số liệu tham chiếu để xác minh về giá mà các cơ quan chức năng khác của ngành tài chính cũng có nhận định tương tự. Do mặt hàng khoáng sản (quặng sắt) xuất khẩu có thuế suất cao cho nên việc khai báo gian lận về giá xảy ra khá phổ biến. Thêm vào đó, do không có sẵn nguồn, kênh lưu trữ tư liệu, tài liệu để đối chiếu, cho nên khi cơ quan thuế có yêu cầu tham vấn giá từ cơ quan hải quan cũng không đáp ứng được. Ðiều này đã ảnh hưởng tới tốc độ và chất lượng làm việc của thanh tra chuyển giá. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá là nhu cầu bức thiết của ngành thuế hiện nay. Việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử sẽ giúp bảo đảm sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan QLNN khác như công an, kiểm sát, địa chính, kế hoạch và đầu tư…

Ngoài ra, các chuyên gia về thuế đồng thuận cho rằng, chuyển giá thật sự là một vấn đề phức tạp có liên quan đến công tác thu thuế của một quốc gia. Ðể giải quyết những vấn đề của quản lý chuyển nhượng giá hiện nay, cơ quan chức năng đã ban hành các phương pháp xác định giá chuyển giao tin cậy, được cộng đồng DN trên thế giới công nhận, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thêm vào đó, việc thông qua các cuộc đàm phán giữa cơ quan thuế với DN liên kết hoặc giữa các cơ quan quản lý thuế các nước có liên quan với nhau thông qua các hiệp định thuế là điều cần thiết và luôn được ngành tài chính chú trọng.

Về phía cơ quan thuế các cấp, theo chức năng nhiệm vụ, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao thì việc tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của từng bộ phận chức năng là rất quan trọng.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, với sự gia tăng nhanh chóng các DN FDI và DN có mối quan hệ liên kết, Việt Nam đã trở thành sân chơi chung của các tập đoàn đa quốc gia. Việc ứng phó với hoạt động chuyển giá không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu này phải đối mặt. Ðiều quan trọng là ứng phó với hoạt động chuyển giá như thế nào để vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa không ảnh hưởng xấu tới việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Ðể công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá ngày càng hiệu quả, cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá đúng tính chất của vấn đề, từ đó đề ra các giải pháp thích hợp. Các giải pháp đó phải dựa trên quan điểm tiếp cận và lộ trình phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây tác động tiêu cực đến việc thu hút đầu tư và môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung. Trong các giải pháp đó, việc hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá một cách đồng bộ, công bằng, minh bạch cho cả DN trong nước và DN nước ngoài là giải pháp quan trọng, bởi nếu làm không tốt thì việc chuyển giá trốn thuế có thể xảy ra ở tất cả các thành phần kinh tế, không riêng DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN có mối quan hệ liên kết.

Về lâu dài, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá, đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế TNDN, Luật Dân sự. Hình thành cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt. Có như vậy mới chống được hành vi chuyển giá, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách Nhà nước

Kết luận: Để ngăn ngừa công tác chống chuyển giá ngày càng có hiệu quả, cần phải nghiêm túc xem xét, đánh giá đúng tính chất của vấn đề, với quan điểm tiếp cận và lộ trình giải pháp thích hợp, để hạn chế tình trạng thất thu NSNN, giữ cạnh tranh thị trường lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư, cũng như môi trường đầu tư nói chung, thu hút vốn đầu tư  nước ngoài vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn, tạo thế và lực mới cho các doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. 1. ThS. Hà Hương Lan: Chống chuyển giá: Những bài học từ Trung Quốc. 2013
  2. 2. TS. Phan Thị Thành Dương: Pháp luật về kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam (Law on control of transfer pricing in Vietnam). 2012
  3. 3. Lê Hường: Sắp có công cụ chặn chuyển giá, Thời báo kinh tế Việt Nam. 2013
  4. 4. Hoàng Hà: Kỳ vọng từ APA, Diễn đàn doanh nghiệp. 2013
  5. 5. Võ Thanh Thủy: Về cơ chế chống chuyển giá trong Luật sửa đổi bổ sung Luật quản lý thuế 2012.
  6. 6. Phương Hà: Chống chuyển giá, cần hơn một đội đặc nhiệm, Enternews, 2015.
    Ngô Quang Trung: Vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hiện nay, Viện Chính sách Nghiên cứu & Phát triển, 2015.
    8. Phương Ly: Một số vấn đề chung về hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp, NCSEIF, 2015.
    9. Thông tư số 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.
Gọi ngay
chat-active-icon
chat-active-icon