Nội dung đào tạo

Với mục đích nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy và đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời đại số hóa nền kinh tế, chương trình đào tạo ngành Kế toán luôn được đổi mới, đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Cụ thể chương trình đào tạo Ngành Kế toán chuẩn được Bộ giáo dục và Đào tạo quy định và ban hành, đem đến kiến thức cơ sở và toàn diện về kế toán, kiểm toán, tài chính, phi tài chính, tài chính tiền tệ, tín dụng ngân hàng,…Để giúp các em hiểu rõ hơn về khung chương trình đào tạo của ngành học này, sau đây là sơ lược về chương trình đào tạo Ngành Kế toán Trường Đại học Trưng Vương.

Chương trình đào tạo Cử nhân Kế toán

Để đạt được trình độ Cư nhân kế toán, người học cần tích lũy 126 tín chỉ trong 4 năm học, trong đó:

– Kiến thức giáo dục đại cương:       32 tín chỉ;

– Kiến thức cơ sở ngành:                  45 tín chỉ,

– Kiến thức chuyên ngành:                37 tín chỉ

– Thực tập và Khóa luận tốt nghiệp : 12 tín chỉ

Với kiến thức giáo dục đại cương và kỹ năng người học sẽ được trang bị những hiểu biết về kinh tế chính trị, triết học, kinh tế học, khoa học quản lý, kỹ năng mềm… để hình thành tư duy và phương pháp luận, phương pháp nhìn nhận và đánh giá một cách biện chứng logic về các hiên tượng kinh tế tài chính, làm căn cứ đi sâu nghiên cứu khoa học tài chính, kế toán.

Với kiến thức cơ sở ngành, chương trình sẽ cung cấp cho người học những hiểu biết, những kiến thức và kỹ năng nền tảng của nghề nghiệp kế toán, trong đó có 45 tín chỉ bắt buộc. Đây là những kiến thứ cơ bản tương đối toàn diện về tài chính, kế toán, kiểm toán, không chỉ giúp cho người học có thể thực hiện các công việc tài chính kế toán mà còn là nền tảng rất quan trọng về kiến thức và hình thành phương pháp để người học có thể nghiên cứu sâu hơn, có thể vận dụng vào những môi trường và những hoàn cảnh rất cụ thể, kể cả môi trường hoạt động có tính chất đặc thù. Với những học phần này, người học đã có thể lĩnh hội những kiến thức về kế toán tài chính, kế toán quản trị, nắm chắc quy trình hạch toán các nghiệp vụ kế toán, quy trình tổ chức công tác kế toán; nắm được các kiến thức cơ bản về thuế, tài chính doanh nghiệp; am hiểu chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán để áp dụng trong các loại hình doanh nghiệp.

Kiến thức chuyên ngành kế toán cung cấp cho người học một cách đầy đủ và sâu về kế toán, về hành nghề dịch vụ kế toán, trong đó đủ kiến thức về pháp luật kế toán, về chuẩn mực kế toán, về kế toán mang tính đặc thù, kế toán các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một loại hình doanh nghiệp chiếm tới 97% số doanh nghiệp ở Việt Nam, về hành nghề kế toán và đạo đức của người làm kế toán. Những kiến thức chuyên ngành không chỉ giúp người học có thể đảm nhiệm tốt công việc kế toán ở một đơn vị cụ thể, mà có thể tự mình hoặc cùng đồng nghiệp chủ động tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán, đại lý thuế, tư vấn …cho nhiều đơn vị với tư cách là một kế toán viên chuyên nghiệp hành nghề độc lập trong thị trường dịch vụ tài chính, kế toán ở Việt Nam và trong khu vực.

Phần kiến thức bổ trợ, cung cấp những kiến thức và kỹ năng về ngoại ngữ, về công nghệ thông tin, về kỹ năng mềm…. để người học có đủ năng lực và kỹ năng cũng như sự chủ động, bản lĩnh tự tin, khả năng giao tiếp, ứng xử  trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, trong nền kinh tế trí thức, nền kinh tế số, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Người học sẽ học tại Trường trong 7 học kỳ, theo một trong hai chuyên ngành: Kế toán tổng hợp hoặc Kế toán doanh nghiệp. Toàn bộ học kỳ 8 người học sẽ thực tập tốt nghiệp tại cơ sở kinh tế, đơn vị, doanh nghiệp để tìm hiểu thực tế và quan trọng hơn là vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, so sánh với thực tế hoạt động kinh tế, tài chính, hoạt động kế toán. Để được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng cử nhân, ngưởi học phải hoàn thành toàn bộ chương trình đào tạo, viết và bảo vệ thành công Khóa luận tốt nghiệp trước Hội đồng đánh giá khóa luận tốt nghiệp hoặc thi tốt nghiệp.

Với kiến thức được trang bị, sau một thời gian rèn luyện trong thực tiễn, bổ túc thêm kiến thức và tích lũy kinh nghiệm, người học có thể trở thành kế toán viên chuyên nghiệp, kế toán trưởng và rất có thể trở thành nhà quản lý, trở thành Giám  đốc tài chính của đơn vị, nhà tư vấn, nhà Phân tích, chuyên gia tài chính, kế toán, hoặc  nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp…