Sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc cần trang bị kỹ năng gì trước khi ra trường?

 

  1. Kỹ năng xây dựng, phát triển và duy trì mối quan hệ

Trong cuộc sống, chúng ta có nhiều mối quan hệ khác nhau: mối quan hệ cá nhân, tập thể, cộng đồng, kinh doanh… Việc tạo lập mối quan hệ giúp chúng ta kết nối được với người khác, bớt cô đơn, tạo nhiều cơ hội mới, giúp đỡ nhau khi khó khăn.

Việc xây dựng và phát triển mối quan hệ đối với sinh viên sắp ra trường lại càng quan trọng. Bởi khi đó, các bạn sắp sửa bước sang một trang mới của cuộc đời, khi rời xa mái trường, chuẩn bị gia nhập thị trường lao động, làm việc tại môi trường công sở hoặc lập nghiệp tự kinh doanh. Nhìn chung, đa số sinh viên với tuổi đời còn rất trẻ, sẽ có khá ít các mối quan hệ trong công việc, kinh doanh. Nhưng nếu hiểu tầm quan trọng của các mối quan hệ đến sự nghiệp, thành công của bạn sau này, chúng ta sẽ càng trân trọng và chú ý tạo dựng quan hệ với người khác ngay từ bây giờ, khi chúng ta còn đang đi học hay đang đi thực tập.

Một mối quan hệ tốt được bạn gieo mầm từ hôm nay với mọi người xung quanh như với thầy cô giáo, bạn bè, sonbe “tiền bối” ở trường của bạn, hay với người quản lý nơi bạn đang thực tập… biết đâu đó lại giúp đỡ được nhiều cho bạn trong tương lai. Thực tế là đã có rất nhiều trường hợp các bạn sinh viên mới ra trường đã có ngay được công việc đáng mơ ước không chỉ bởi có kiến thức tốt, phù hợp với doanh nghiệp mà còn bởi biết tận dụng các mối quan hệ xung quanh mình. Xây dựng, phát triển và duy trì các mối quan hệ cũng là một loại năng lực. Nó có thể giúp bạn giành được lợi thế với người khác trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động và có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

  1. Kỹ năng lập kế hoạch

Khi làm bất cứ việc gì trong cuộc sống, việc có chuẩn bị trước và lập kế hoạch sẽ giúp tăng khả năng hoàn thành và có kết quả cao hơn. Điểm yếu các bạn trẻ nói chung hay sinh viên đặc biệt là các bạn sắp hay mới ra trường nói riêng là thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế. Lập kế hoạch tốt sẽ giúp bạn tư duy có hệ thống, biết cách tổ chức, phối hợp và tận dụng nguồn lực sẵn có một cách hợp lý và có khả năng ứng phó với những thay đổi. Qua đó, sẽ phần nào giúp đỡ các bạn bù đắp khoảng trống trong kinh nghiệm làm việc đó.

Ngay từ bây giờ, nếu chưa biết cách phải lập một bản kế hoạch thế nào, các bạn hãy thử tìm hiểu và phát triển các kỹ năng liên quan đến việc lập kế hoạch nhé.

  1. Kỹ năng làm việc nhóm

Làm việc nhóm là một trong những nét đặc trưng trong văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong môi trường công sở, người Hàn Quốc có xu hướng không làm việc theo từng cá nhân riêng lẻ mà làm việc theo đội nhóm. Cá nhân làm việc trong đội nhóm vì một mục tiêu chung và tập trung làm việc để đạt được kết quả vì mục tiêu chung đó.

Hiểu được điều này, sinh viên khoa Hàn sắp tốt nghiệp càng phải trau dồi và phát triển thêm kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác với người khác nếu muốn làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc.

  1. Kỹ năng giao tiếp liên văn hóa

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng mở rộng giao lưu văn hóa và tăng cường hợp tác với các quốc gia khác nhau trên thế giới, việc trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp liên văn hóa là vô cùng cần thiết. Hiện nay có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam có môi trường làm việc với nhân viên có các quốc tịch khác nhau. Chủ doanh nghiệp có thể là người Hàn Quốc nhưng nhân viên có thể vừa có người Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ,… cùng làm việc chung trong một văn phòng. Ở những trường hợp như thế, nếu chúng ta có hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau cùng với kỹ năng giao tiếp liên văn hóa thì sẽ dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc và hạn chế những bất đồng không đáng có trong quá trình làm việc.

  1. Kỹ năng học hỏi và tự học

Môi trường công sở so với môi trường giáo dục ở nhà trường sẽ có rất nhiều điều khác biệt. Nếu ở trường học, các thầy cô giáo sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn cho học sinh kiến thức và kỹ năng thì tại môi trường công sở, việc tìm được người có thể tận tình hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho bạn không hề đơn giản. Có những bạn trẻ, dù không được ai chỉ bảo khi mới bắt tay vào công việc ở môi trường mới nhưng vẫn có thể thích nghi bởi họ có khả năng quan sát, ham học hỏi và tự học.

Thông thường, kiến thức chúng ta học được trên ghế nhà trường sau 2~5 năm có thể trở nên lỗi thời, tụt hậu so với thời đại. Đặc biệt, ở khối ngành ngôn ngữ, khi mà chính ngôn ngữ chúng ta sử dụng hàng ngày cũng vận động, biến đổi theo thời gian, nếu bạn không chủ động tìm hiểu, cập nhật những từ mới, cách biểu đạt mới hay kiến thức mới thì rất dễ rơi vào trạng thái tụt lùi so với thời đại.

Gọi ngay
chat-active-icon
chat-active-icon